Phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước

            Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là đạo lý làm người đã ăn sâu vào máu thịt của Nhân dân ta từ ngàn xa xưa. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Điều này nói lên khát vọng của một dân tộc hiếu học để mưu cầu hạnh phúc và bồi dưỡng, đào tạo nhân tài để phát triển đất nước.

          Truyền thống Tôn sư trọng đạo bao giờ cũng có hai yếu tố cốt lõi, một là sự hiếu học, học chăm, học giỏi, học để ngày mai giúp ích cho đời, phụng sự cho đất nước, cho Nhân dân, đó là sự đền đáp tốt nhất của người học trò đối với công lao, niềm tin của thầy cô; hai là phẩm chất đạo đức, nhân cách cao quý của người thầy giáo vì nghĩa lớn, vì con người sống có ích cho xã hội, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước, xây dựng cuộc sống yên lành trong từng mái ấm gia đình, xây dựng một xã hội văn minh, trường tồn mãi mãi… Cho nên người thầy giáo luôn có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của người học trò, đặc biệt là ngay khi còn nhỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

          Muốn phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo một cách tốt nhất để bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước không chỉ có ngành giáo dục và đào tạo, các thầy cô giáo mà là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục.

          Năm nay chúng ta kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt nam – 20/11 trong tình hình cả nước đang đồng lòng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID – 19, đồng thời khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế của đất nước, nên cần có các hình thức phù hợp để phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo một cách sâu sắc đến với gia đình học sinh và cộng đồng dân cư, tạo ra niềm phấn khởi, vinh dự, tự hào đối với thầy cô và học sinh, nhất là những học sinh đã, đang và sắp thành công trên con đường xây dựng hạnh phúc đời người, cống hiến cho xã hội, cho quê hương và đất nước. Đó cũng chính là phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo để bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi tôn vinh danh hiệu Nhà giáo cao quý./.


Tác giả: Mỹ Phường
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết