Hoài Sơn là một xã miền núi thuộc thị xã Hoài Nhơn, nằm về hướng tây cách quốc lộ 1A, khoảng 10km (tại ngã 3 Chương Hòa). Cách Trung tâm thị xã khoảng 30km, phía Bắc giáp huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), phía tây giáp huyện An Lão, phía đông và phía nam giáp xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn).

Hệ thống giao thông trên địa bàn xã Hoài Sơn luôn được củng cố, duy tu kịp thời để phục vụ cho nhân dân và các phương tiện giao thông đi lại. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân trên tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đường liên thôn trên địa bàn xã đã được bê tông hóa.

Địa hình Hoài Sơn như một thung lũng sâu, rộng và kín đáo; xung quanh là núi, có độ dốc lớn, mùa mưa nước chảy xiết nên thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, kéo theo đó là ruộng đất bị rửa trôi những chất dinh dưỡng có trong đất, làm nghèo chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Là một xã có đặc điểm địa lý tự nhiên đa dạng, nằm giữa thung lũng phía đông của dãy Trường Sơn, xung quanh là rừng núi, có độ dốc lớn nên thường bị ngập úng trong mùa mưa. Hoài Sơn có những kỳ tích bí ẩn như: Núi Chúa, Truông Tấu, suối Vàng là thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, có phần hấp dẫn du khánh đến chiêm ngưỡng tham quan.

Thiên nhiên ưu đãi cho Hoài Sơn với nhiều lâm đặc sản quý như song mây, mật ong, cau và các loại gỗ quý hiếm,... đặc biệt tài nguyên đá granit với trữ lượng lớn.

Về kinh tế, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, ngoài cây lúa, cây công nghiệp chiếm vị trí quan trọng như cây dừa, mía, mì, chuối, đậu các loại....

Về văn hóa, nhiều công trình kiến trúc có tính chất văn hóa, xã hội như: Hội Văn Thánh có nhà thờ Văn chỉ (thôn Tường Sơn), nhà thờ Trần Đức Hòa, chùa Thắng Quang,... mỗi công trình kiến trúc đều gắn với những sự kiện lịch sử của quê hương và được các thế hệ nhân dân tôn kính.  Hoài Sơn là vùng đất có bề dày lịch sử của huyện Hoài Nhơn và của huyện Hoài Nhơn và của tỉnh Bình Định.

Nhân dân xã Hoài Sơn có truyền thống cần cù lao động, đoàn kết thương yêu nhau, không phân biệt lương - giáo để cải tạo thiên nhiên, lập làng, đấu tranh chống thú dữ, xây dựng quê hương. Trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Hoài Sơn luôn được thể hiện bản chất cách mạng, yêu quê hương đất nước, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập tự do cho dân tộc.

 

Ban biên tập (tổng hợp)