Hoài Sơn kỷ niệm 50 Ngày giải phóng xã 20/4/1972-20/4/2022
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Sơn kỷ niệm 50 Ngày giải phóng xã 20/4/1972-20/4/2022

Sáng ngày 20/4 Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Hoài Sơn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng xã Hoài Sơn (20/4/1972-20/4/2022)

 

Về dự Lễ kỷ niệm có đồng chí: Phạm Văn Thanh – Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Trần Minh Sang – nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hoài Sơn. Ở thị xã có đồng chí Phạm Trương – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy- Chủ tịch UBND thị xã; đồng chí Lê Tự Hồng – Phó BT Thường trực Thị ủy; đồng chí Văn Thanh Gia – Phó BT Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã, đồng chí Nguyễn Chí Công – PCT UBND thị xã, đồng chí Nguyễn Văn Đẹp – UVBTV- Trưởng ban, Ban Dân vận Thị ủy - Chủ tịch UBMTTQVN thị xã, đồng chí Trần Văn Quyết – Phó ban, Ban Dân vận Thị ủy, phụ trách xã Hoài Sơn; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, phòng ban là con em của địa phương đang công tác tại thị xã. Ở xã có đồng chí: Nguyễn Nam Hà – Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã cùng các đồng chí trong BTV, BCH Đảng ủy xã, Đồng chí Nguyễn Đình Bản – Phó  BT Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và các đồng chí lãnh đạo UBND xã, đồng chí Trần Quang Vinh – Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã, cùng các đồng chí đại biểu các ban ngành đoàn thể trong xã, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lứ; các đồng chí nguyên là cán bộ trung cao, các đồng chí nguyên là lãnh đạo xã Hoài Sơn qua các thời kỳ, các đồng chí là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở 12 thôn, đại biểu Ban giám hiệu các trường, Trạm Y tế và HTXNN, các đồng chí trực tiếp tham gia chiến đấu đóng góp công sức xây dựng quê hương Hoài Sơn qua các thời kỳ và các đồng chí lãnh đạo các xã bạn Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú và các đại biểu ở các công ty, danh nghiệp đã tham gia góp phần cho sự phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH của địa phương

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Bản – Chủ tịch UBND xã đọc diễn văn ôn lại những sự kiện, những giai đoạn kháng chiến của quân và dân Hoài Sơn trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ thể hiện qua từng gai đoạn.

Đồng chí Nguyễn Đình Bản – Chủ tịch UBND xã đọc diễn văn tại buổi lễ

Hoài Sơn là chiếc nôi cách mạng phía bắc huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn), bọn mỹ ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót kiên cố như Núi Bé (An Đổ), trụ sở xã (Túy Thạnh), Trường Đình (Hy Văn), Đồi Chùa (Phú Nông), Sân Bay (La Vuông)... Chúng đã trút hàng ngàn, hàng vạn tấn bom đạn và rải chất độc hóa học khắp trong toàn xã, chúng mở hàng trăm trận càng quét nhằm tiêu diệt các căn cứ của cách mạng ta. Hàng trăm người dân nơi đây phải chịu cảnh tù đày, đánh đập, tra khảo, giết hại dưới nhiều hình thức dã man và tàn bạo, từng mãnh đất ngôi nhà bị tàn phá đốt cháy, hàng ngàn người dân phải chịu cảnh cha mất con, vợ mất chồng. Đặc biệt là vụ thảm sát Ngã Ba Đình đêm ngày 25/9/1961 bọn chúng đã bắn giết dùng nhiều thủ đoạn dã mang đối với 12 cán bộ chiến sỹ cách mạng ta, trong số đó hiện giờ còn sống 1 đ/c (Nguyễn Trình, thôn An Hội). Dù vậy nhưng nhân dân Hoài Sơn vẫn giữ truyền thống cách mạng kiên quyết bám trụ “Một tất không đi, một ly không rời”, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

21 năm gian khổ và hào hùng đó, toàn xã có hơn 1.000 thanh niên gia nhập vào bộ đội chủ lực, hơn 100 thanh niên vào bộ đội địa phương và có gần 2.000 thanh niên tham gia du kích xã và thôn… để đánh giặc bảo vệ quê hương. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quân và dân Hoài Sơn đã đánh trả quyết liệt mọi cuộc càng quét của địch, gây cho chúng tổn thất ngày càng to lớn.

 

Từ tháng 8/1961 đến tháng 12/1962 quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều tên ngụy quyền có nhiều nợ máu với nhân dân. Qua hoạt động vũ trang du kích xã phối hợp với lực lượng Huyện hỗ trợ đắc lực cho mũi đấu tranh chính trị và binh vận phát triển mạnh, quần chúng nỗi dậy các mũi binh vận, phối hợp nhịp nhàng như Trug độ của ông Chánh – Hy Văn, phản chiến kéo về theo lực lượng cách mạng Hoài Sơn 35 binh sỹ và một số súng đạn quân trang, quân dụng.

Ngày 20/6/1966 Mỹ mở chiến dịch Giôn Xơn đổ sư đoàn không vận số 1 xuống Bắc Bình Định. Để cứu vãn tình thế sa lầy ở miền Nam, riêng Bắc Hoài Nhơn kể cả Hoài Sơn chúng dùng 300 máy bay trực thăng, 250 xe bọc thép, hàng trăm khẩu pháo hạm đội 7, không vận số 1 Hoa Kỳ, gần 10 ngàn quân đổ tấp nập xuống Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Hảo.

Bên ta đã nắm chắc tình hình trên nên chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Ngày đầu của chiến dịch, địch dùng 150 máy bay trực thăng phản lực lượn trên bầu trời Hoài Sơn như bầy quạ, gặp phải sư đoàn Sao Vàng hạ tại trận 36 chiếc, du kích xã Hoài Sơn hạ 6 chiếc, nối tiếp những chiến công oanh liệt du kích xã Hoài Sơn tập kích đánh vào quân Mỹ đóng tại Đồi Chùa tiêu diệt 38 tên Mỹ, ngày thứ hai ta tiêu diệt 18 xe bọc thép vướng mìn cải tiến của ta và sụp hầm chông chết 32 tên Mỹ.

 Ngày thứ ba ta thắng lớn đối với lính ngụy, ta tiêu diệt 4 đại đội cộng hòa thuộc  Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 ngụy Sài Gòn, 8 đại đội bảo an, 6 trung đội dân vệ, đánh hỏng 19 xe bọc thép là chiến công của du kích xã Hoài Sơn. Giấc mơ “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ giấc mơ đó không thành hiện thực, Đảng ta chủ  trương tổng tiến công nỗi dậy đồng loạt vào thành phố, thị xã, thị trấn, đây là đợt diễn tập lớn có thể kết luận rằng phong trào cách mạng tỉnh Bình Định thời kỳ khó khăn  nhất là năm 1959 và cũng là thời kỳ tổn thất lực lượng nhiều nhất. Năm 1969-1972 nhân dân đấu tranh trở về làng cũ khôi phục sản xuất, đời sống dần dần được cải thiện, phong trào cách mạng được khôi phục. Đến ngày 20/4/1972 ta giải phóng hoàn toàn trên đất quê hương sạch bóng quân thù.

Đồng chí Phạm Hồng Thư- nguyên CT Hội CCB thị xã là người trực tiếp tham gia chiến đấu ôn lại truyền thống du kích xã Hoài Sơn

Tổng kết 21 năm kháng chiến chống Mỹ, với những thành tích to lớn đó năm 1965 được Nhà nước tặng thưởng huân chương thành đồng, năm 1978 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp. Để có được những thành tích đó là nhờ sự đóng góp xương máu, anh dũng hy sinh của cán bộ đảng viên, những đ/c trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia chiến đấu, các cơ sở cách mạng và nhân dân ta, công lao to lớn ấy chúng ta không thể nào quên được.

Toàn xã có 866 liệt sỹ, 538 thương bệnh binh, 50 đ/c lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, 3 đ/c anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 195 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 8 mẹ còn sống; 2.860 người có công với nước. Ngoài ra còn hàng ngàn tổ chức cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân, huy chương các loại.

 

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” Đảng bộ và nhân dân Hoài Sơn có nhiều sự nỗ lực chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách. Đã xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ khang trang, tìm kiếm quy tập  hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang, xây dựng bia tưởng niệm Ngã Ba Đình, Bia chiến thắng trận tập kích trụ sở ngụy quyền năm 1961. Để tưởng nhớ các đồng chí đã anh dũng hy sinh lưu truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhìn chung hiện nay đời sống của các đối tượng chính sách đã từng bước cải thiện.

Đồng chí Võ Trung Kiên - PCT UBND xã phát biểu tại buổi lễ 

Sau 50 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành. Đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhịp độ bình quân hàng năm tăng nhanh so với trước đây. Đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp: Trong những năm qua thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng hạn kéo dài, mưa lũ thường xảy ra, nhưng với sự đồng thuận của nhân dân, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi đưa vào sản xuất đại trà đã đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao; Tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2021 đạt 417,7 tỉ đồng. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là nguồn thu nhập chính của người dân; tuy tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên đàn gia súc trong những năm gần đây; nhưng dưới sự tập trung của chính quyền trong công tác phòng chống dịch đã cơ bản giữ ổn định đàn vật nuôi. Đàn trâu, bò hiện có 5.000 con, đàn heo có 8.987 con, đàn gia cầm có 69.852 con. Các chương trình lai tạo đàn bò, nạc hóa đàn heo vẫn tiếp tục được nhân rộng và phát triển.

Đến nay tuy chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển xã hội nhưng phải khẳng định rằng công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã nhà ngày càng được hoàn thiện hơn nhất là mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới; đặc biệt mạng lưới điện phát triển khá tốt; tỉ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 100%. Hệ thống thông tin liên lạc được khép kín, có điểm bưu điện văn hoá xã, trên 95% số hộ dùng điện thoại; mạng lưới Đài truyền thanh xã phục vụ thông tin đến tận nhân dân, số hộ sử dụng Tivi đạt trên 98%. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng khang trang. Toàn xã có 10,5km đường thảm nhựa; 28,52km đường giao thông được bê tông hóa; 26,47  km đường giao thông nội đồng được cứng hóa đảm bảo cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa. Tổng giá trị hơn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trên 100 tỉ đồng. Tiếp tục phối hợp với Hội đồng GPMB thị xã giải tỏa mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua xã Hoài Sơn dài hơn 7,3km; giải tỏa mặt bằng để mở rộng đoạn đường từ Nghĩa trang liệt sĩ đến xã an Hưng, huyện An Lão chiều dài 18km nằm trong dự án hợp phần CREAM sẽ mở ra triển vọng cho khu du lịch Đồng Vuông; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giao thương giữa huyện An Lão và Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi.

Là một xã nông nghiệp, nên việc xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất luôn được coi trọng, từ nguồn vốn Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp, đã đầu tư xây dựng và tu sửa các công trình thuỷ lợi như: Hồ Cẩn Hậu, hồ An Đổ, hồ Hóc Quăn, hồ Đồng Tranh, đập Ông Pha, đập Dâng, Đập Bèo Sấm và xây dựng 36km kênh mương bê tông, tổng trị giá trên 32 tỷ đồng, để phục vụ tưới tiêu cho 2.408ha diện tích gieo trồng của xã. Bên cạnh đó, Cụm công nghiệp Tường Sơn đang tiếp tục đầu tư phát triển như: Nhà máy Dăm gỗ ngày càng hoạt động có hiệu quả, giải quyết được nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tại địa phương; Công ty May từng bước được mở rộng đã giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương.  Nhà máy sản xuất đá xây dựng thuộc Núi Én (Túy Sơn) từng bước hoạt động ổn định, tăng nguồn thu vào ngân sách. Tuy là xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, trong những năm qua, đã kêu gọi thu hút nhiều nhà đầu tư vào địa bàn để mở rộng và xây dựng cụm công nghiệp. Năm 2022 tiếp tục mở rộng giải tỏa mặt bằng và các nhà đầu tư đã đăng ký lấp đầy cụm công nghiệp.

 

Đồng chí Phạm Trương - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Bí thư Thị ủy – Chủ tịch UBND thị xã Phạm Trương đã ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bậc của xã Hoài Sơn trong suốt 50 chiến đấu và xây dựng, đồng thời nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: “Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân xã Hoài Sơn cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nhất là những nét đặc trưng văn hóa con người Hoài Sơn, tăng cường giữ gìn sự đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo hơn nữa, tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển KT-XH đảm bảo QP-AN giữ vững ổn định Chính trị, trật tự ATXH tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tiếp tục phấn đấu xây dựng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng đến mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hoài Sơn lần thứ XXVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Hoài Nhơn lần thứ XX đã đề ra. Với quết tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tôi tin tưởng xã Hoài Sơn tiếp tục phát huy truyền thống tố chất anh hùng, đoàn kết chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Hoài Sơn ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước” 

Thay mặt lãnh đạo xã Hoài Sơn, đồng chí Nguyễn Đình Bản – Chủ tịch UBND xã cho biết: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng xã Hoài Sơn chính là dịp để toàn Đảng bộ nhìn lại quá trình xây dựng, kiến thiết quê hương, để mỗi người con Hoài Sơn dù đang công tác, sinh sống, lao động, học tập ở quê hương hay trên khắp mọi miền của đất nước càng tự hào hơn về sự phát triển và đổi thay của quê hương mình, xác định rõ trách nhiệm của các thế hệ để tiếp bước để xây dựng quê hương.

Vì vậy, trong những năm tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã sẽ tăng cường khối đoàn kết, thống nhất phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý thức tự lực tự cường, tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, các công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trường học, y tế, công trình phúc  lợi xã hội khác, củng cố QPAN, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Hoài Sơn ngày càng giàu đẹp.

Văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm

 

Văn Phương


Tác giả: Nguyễn Văn Phương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết