Hoài Sơn 50 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển xã nhà
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Sơn 50 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển xã nhà

Cách đây 50 năm vào ngày 20/4/1972 xã Hoài Sơn được giải phóng hoàn toàn và giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975. Một chặn đường đầy máu và nước mắt đã đi qua, những con người đã anh dũng đấu tranh dành tự do độc lập cho quê hương đất nước sau ngày hòa bình lập lại đã cùng với Đảng bộ và nhân dân xã nhà phát huy truyền thống vinh quang đó tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức thi đua xây dựng quê hương đất nước. 

Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đình

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cán bộ và nhân dân xã Hoài Sơn đã đoàn kết thành một khối thống nhất kiên quyết bám đất, bám làng đấu tranh với giặc và trở thành cái nôi Cách mạng phía Bắc huyện Hoài Nhơn. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến giành giữ đất nước ấy, đã có hàng ngàn người con của quê hương Hoài Sơn rời tay cày, tay cuốc lên đường kháng chiến, dù công tác ở chiến trường nào, là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương hay du kích xã, du kích thôn luôn tỏ rỏ mưu trí, linh hoạt, dũng cảm chiến đấu lập nhiều chiến công trên mọi chiến trường.

          Giữa năm 1968, quân Mỹ thực hiện âm mưu bình định đất nước ta với lực lượng lớn quân Mỹ và quân Ngụy. Riêng tại xã Hoài Sơn chúng càn quét và xây dựng 11 chốt điểm, gây không ít khó khăn cho phong trào Cách mạng ở Hoài Sơn, trong 2 năm 1969-1970 đã có 10 đồng chí Xã đội trưởng, Xã đội phó phải hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

          Đến năm 1971, sau thất bại ở đường 9 nam Lào, quân ngụy ngày càng suy yếu, quân Mỹ lúng túng và bế tắc về chiến lược. Trước thời cơ đó trên quyết định mở chiến dịch Xuân Hè năm 1972. Năm 1971 nhân dân đấu tranh trở về làng cũ ngày càng đông, cán bộ, du kích xã đã bám được trong dân. Nhờ tích cực phát động nên phong trào cách mạng trong xã đã được khôi phục. Trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972, từ ngày 12/4 đến ngày 19/4/1972, bằng 3 mũi giáp công, quân và dân xã Hoài Sơn phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan toàn bộ hệ thống công sự của địch. 

          Trong chiến dịch này, quân và dân xã Hoài Sơn bảo vệ, đưa đón bộ đội đặc công 406 chuẩn bị ra chiến trường Tam Quan. Trong khi lực lượng đặc công Sư đoàn 3 Sao Vàng chuẩn bị đánh chốt Gò Vàng, Tuy An, Du kích xã Hoài Sơn có sự hợp đồng binh biến của Trung đội nghĩa quân chuẩn bị đánh chốt Trường Đình thôn Hy Văn là chốt đầu não của địch tại Hoài Sơn. Sau một thời gian chuẩn bị, đêm ngày 8/4/1972 theo kế hoạch hợp đồng chiến đấu, khoảng 4 giờ sáng, đại đội đặc công Sư đoàn 3 Sao Vàng nổ súng đánh chốt Gò Vàng, du kích xã  Hoài Sơn bí mật tập kích diệt gọn chốt Trường Đình thôn Hy Văn.

Từ ngày 9/4 đến ngày 20/4/1972, hòa với khí thế đấu tranh chính trị, binh vận, tấn công quân sự, du kích thôn, du kích xã Hoài Sơn cùng với các đơn vị chủ lực đã bao vây bắn bia, bắn tỉa, hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nỗi dậy bức rút, bức hàng hầu hết các vị trí chốt điểm của địch, vận động binh lính và nghĩa quân mang súng về với cách mạng. Đồng thời tiêu diệt 4 Đại đội cộng hòa thuộc Trung đoàn 40, Sư đoàn 22 ngụy Sài Gòn, 8 Đại đội bảo an, 6 trung đội dân vệ hàng trăm tên lính Mỹ, bắn hạ 36 máy bay, phá hủy 37 xe bọc thép…

 

Với tinh thần thần tốc, táo bạo, bất ngờ và quyết thắng. Ngày 20/4/1972 quân và dân xã Hoài Sơn đã liên tục tiến công và nỗi dậy tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ hệ thống ngụy quân ngụy quyền, dành chính quyền về tay nhân dân, ngày 20/4/1972 mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử kháng chiến cứu quốc và trở thành ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xã nhà. Chỉ trong vòng 12 ngày, bằng chiến dịch tấn công tổng hợp, kết hợp với tấn công quân sự và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, quân và dân xã Hoài Sơn đã quét sạch toàn bộ quân địch, chiều ngày 20/4/1972 xã Hoài Sơn hoàn toàn giải phóng.

Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, với những thành tích to lớn đó năm 1965 được Nhà nước tặng thưởng huân chương thành đồng, năm 1978 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp. Để có được những thành tích đó là nhờ sự đóng góp xương máu, anh dũng hy sinh của cán bộ đảng viên, những đồng chí trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia chiến đấu, các cơ sở cách mạng và nhân dân ta, công lao to lớn ấy chúng ta không thể nào quên được. Toàn xã có hơn 800 liệt sỹ, hàng trăm thương bệnh binh, nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cách mạng tiền khởi nghĩa và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hơn 180 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2.000 người có công với nước.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Hoài Sơn đã khắc phục dần hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Thế mạnh kinh tế của xã Hoài Sơn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển vườn rừng. Trong đó kinh tế nông nghiệp và lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng. Với trên 5.000 ha đất rừng tự nhiên và trên 700 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong nhiều năm qua được sự quan tâm của các cấp, người dân Hoài Sơn đã đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, đưa ngành nông nghiệp phát triển mạnh. Nhiều loại giống cây trồng và vật nuôi được xã đưa vào sản xuất cho năng xuất và sản lượng cao. Những đồi núi xưa kia bị cày xới bởi bom đạn nay đã được bao phủ bằng những cánh rừng xanh biết của các Dự án và rừng trồng của nhân dân. Cùng với đó, Cụm Công Nghiệp thôn Tường Sơn cũng được mở rộng, tạo thuận lợi cho các nhà máy vào đầu tư và phát triển. Từ đây đã góp phần tăng thu nhập của người dân lên hàng chục triệu đồng và hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 47,8 triệu đồng/người/năm.  Ngoài ra các công trình xây dựng cơ bản cũng được chú trọng, xã đã tiến hành xây dựng, tu sửa đường làng ngỏ xóm, đường nội đồng, bê tông hóa 100% các tuyến đường từ xã đến thôn xóm, thảm nhựa hơn 4 km tuyến đường chính của xã tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và thông thương.

Trục đường chính của xã được thảm nhựa hơn 4 km

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, hệ thống y tế, giáo dục của xã ngày càng hoàn thiện: Trạm Y tế xã được đầu tư xây khang trang để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng có bước phát triển vượt bậc, các trường trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia, hàng năm tỷ lệ lên lớp của học sinh đạt gần 100%, đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Có thể khẳng định, qua nhiều năm nỗ lực xây dựng và phát triển Hoài Sơn đã đạt được nhiều thành tựu khá quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và tiếp tục tạo đà vươn lên xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng quê hương Hoài Sơn ngày càng giàu đẹp./.

          Văn Phương


Tác giả: Nguyễn Văn Phương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết