Ngã Ba Đình thuộc thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, là nơi tiếp giáp giữa hai tuyến đường: tỉnh lộ ĐT 638 từ Hoài Phú, Hoài Châu đi Hoài Sơn và đường liên xã từ từ Chương Hòa (Hoài Châu Bắc) đi Hoài Sơn. Trước kia ở thôn Hy Văn có một ngôi Đình làng do nhân dân 9 phường trong vùng đóng góp xây dựng làm nơi hội họp, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng, nhân dân thường gọi là Đình “9 phường”. Trước Đình và cách Đình khoảng 50 km về phía Đông bắc có một ngã ba nên dân địa phương đã đặt tên Ngã Ba Đình (hay Chán Ba Đình). Nơi đây vào ngày 25/9/1961 (tức ngày 16/8 năm Tân Sửu) địch đã giết hại dã man nhiều đồng bào và chiến sĩ cách mạng.
Với địa hình núi đồi bao bọc hiểm trở, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoài Sơn được chọn làm căn cứ trọng yếu của cách mạng Hoài Nhơn. Nơi đây đã từng chứng kiến bao gian khổ, hy sinh nhưng ngoan cường của cán bộ cách mạng và nhân dân. Kẻ thù thường xuyên càn quét, khủng bố ráo riết, chúng điên cuồng trút xuống mảnh đất này hàng ngàn tấn bom, đạn, chất độc hóa học hòng hủy diệt màu xanh, phá hủy cơ sở cách mạng, uy hiếp tinh thần, ý chí cứu nước của người dân Hoài Sơn.
Thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” và Luật 10/59, chính quyền Mỹ - Diệm đã tiến hành lùng sục, tìm bắt, đàn áp dã man cán bộ cách mạng, quần chúng yêu nước và những người bị tình nghi trong xã. Nhất là sau sự kiện bị ta tấn công vào trụ sở xã Hoài Sơn làm cho lực lượng địch bị tiêu diệt và thiệt hại lớn, chúng càng điên cuồng chống phá cách mạng, đàn áp Nhân dân.
Mặc dù bị đàn áp, khủng bố, nhưng dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, các phong trào ở xã Hoài Sơn vẫn được duy trì và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đêm 14/9/1961, đội vũ trang công tác xã và huyện đã bí mật tiêu diệt 04 tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Bị tổn thất nặng nề nên địch vô cùng cay cú, sáng ngày 25/9/1961, bọn tay sai Mỹ - Diệm tiến hành truy lùng khắp các thô, bắt cán bộ cơ sở, gia đình có người tham gia hoạt động cách mạng và những người mà chúng tình nghi, âm mưu trả thù cho đồng bọn và khủng bố phong trào cách mạng ở địa phương. Bắt được người nào chúng tập trung về trụ sở xã, tiến hành các thủ đoạn đánh đập, tra khảo dã man hòng truy tìm tung tích, đầu mối tổ chức cách mạng của ta. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, một lòng trung thành với cách mạng, những người bị bắt (có cả cán bộ, đảng viên và nhân dân) đã thống nhất “chúng đánh ai nấy chịu, không được khai tràn lan”. Vì vậy, dù bị đánh đập dã man, không biết bao lần ngất đi rồi tỉnh dậy nhưng những chiến sĩ cách mạng chỉ khai đúng một câu: “chúng tôi là dân lương thiện làm ăn, không biết gì, các ông đã bắt lầm người rồi”.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” và tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương đã đề nghị và được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh “Di tích vụ thảm sát Ngã Ba Đình” vào năm 2002.
Di tích Ngã Ba Đình là nơi minh chứng cho tội ác và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù đối với phong trào cách mạng ở Hoài Nhơn nói chung và Hoài Sơn nói riêng. Dù kẻ thù có đàn áp, khủng bố tàn bạo đến đâu, chúng vẫn không đè bẹp được phong trào cách mạng, phong trào vẫn được giữ vững và ngày càng phát triển sâu rộng. Sự hy sinh anh dũng của cán bộ cơ sở cách mạng tại Ngã Ba Đình thể hiện tinh thần đấu tranh quật cường, bất khuất của nhân dân địa phương, đó cũng là niềm tự hào của toàn Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn nói chung và của phường Hoài Sơn trong lịch sử trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hiện nay, khu di tích vụ thảm sát Ngã Ba Đình đã được tôn tạo, xây dựng khang trang. Toàn bộ khu di tích rộng khoảng 250m2, chính giữa khu di tích là tượng đài được tạo hình biểu tượng ngọn lửa bốc cao lên thành cột lửa trên nền mặt trống đồng cách điệu, khắc họa những hình hoa văn chim Lạc nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. “Ngọn lửa” là biểu tượng ý chí kiên cường, bất khuất của những người đã ngã xuống làm nên chiến thắng hôm nay. Mỗi dịp lễ, tết hay những ngày kỷ niệm trọng đại của địa phương, đất nước những người con Hoài Sơn lại tập trung về Ngã Ba Đình làm lễ báo công, tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ và ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của cha ông.