Ngày 30/10/1960, đội vũ trang tuyên truyền huyện Hoài Nhơn và đội du kích xã Hoài Sơn thành lập, do đồng chí Phạm Văn Dánh (tức Diên An) chỉ huy, đồng chí Châu làm đội phó, đồng chí Binh làm trung đội trưởng, đồng chí Phu làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1, đồng chí Thu làm Tiểu đội trưởng tiểu đội 2. Đội vũ trang tuyên truyền của xã hoạt động công khai phát loa tuyên truyền kêu gọi đồng bào đứng lên lật đổ chế độ thối nát Ngô Đình Diệm, giải phóng quê hương. Qua công tác tuyên truyền của đội vũ trang đã giác ngộ nhiều thanh thiếu niên yêu nước trong xã Hoài Sơn và các xã lân cận. Phong trào thanh niên “nhảy núi” theo cách mạng với quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy, trả thù cho đồng bào, đồng chí được huyện và tỉnh đánh giá là địa phương có phong trào sớm, thanh niên thoát ly lên căn cứ đông, đây là nguồn lực cơ bản để xây dựng lực lượng vũ trang huyện và xã sau này. Đầu năm 1961, LLVT tỉnh đã tăng lên 3 trung đội, lấy thêm 20 thanh niên người dân tộc thiểu số, tăng lên 4 trung đội, thành lập 1 trung đội đặc công do đ/c Nguyễn Công làm trung đội trưởng, 1 trung đội bộ binh do đ/c Trần Bình làm trung đội trưởng, 1 trung đội người dân tộc do đ/c Năm Hu làm trung đội trưởng, trung đội này làm nhiệm vụ bảo vệ chiến khu và 2 làng đồng bào dân tộc ở phía sau để chống biệt kích.

Phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam có những chuyển biến tích cực, nhân dân đã làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn, bộ máy ngụy quyền địa phương có nơi rệu rã. Để cứu vãn tình thế ấy, tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi đã cử các tướng Mỹ sang miền Nam khảo sát tình hình và đề ra kế hoạch Xtalay-Tay lo nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Theo kế hoạch này, Mỹ phải viện trợ nhiều đô la, vũ khí và cố vấn Mỹ cho chính quyền Ngô Đình Diệm để chúng đẩy mạnh thực hiện quốc sách “ấp chiến lược”, ra sức gom dân, dồn dân, bắt dân di chuyển nhà cửa vào nơi ở mới để chúng dễ kiểm soát, bắt đảng viên cũ và những gia đình có người thân tập kết, người thân thoát ly tham gia kháng chiến lên rừng chặt cây đem về xây dựng ấp chiến lược, đó là những trại tập trung khổng lồ giam hãm quần chúng nhằm tách cộng sản ra khỏi nhân dân.

Trên địa bàn huyện Hoài Nhơn, địch tổ chức dồn dân, lập 83 ấp chiến lược. Cuộc đấu tranh với địch chống dồn dân, chống phá ấp chiến lược diễn ra rất quyết liệt, địch dồn dân vào ấp, ta vận động nhân dân đấu tranh không vào, hoặc vào rồi thì đấu tranh trở về làng cũ; địch bắt dân chặt cây rào ấp, ta vận động nhân dân nổi dậy đốt phá ấp, cứ thế diễn ra lặp đi lặp lại nhiều lần.

Tình hình cách mạng miền Nam trong thời kỳ này có nhiều thuận lợi cho ta, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đầu năm 1961 đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, xương sống của chính sách này là tăng cường các cuộc càn quét và gom dân lập “ấp chiến lược” với âm mưu bằng cách ly gián lực lượng cách mạng với nhân dân. Để thực hiện âm mưu đó, Mỹ - Diệm đã bắt ép nhân dân vào núi phát quang những nơi nghi ta trú quân, tăng cường xây dựng công sự, cắm chông, gài mìn những đường hẻm từ núi ra, tạo một vành đai trắng giữa các vùng giáp ranh và đồng bằng. song song với chính sách dồn dân lập ấp, bọn chúng ráo riết tăng cường đôn quân, trắng trợn dùng quân đội bắt đồng bào đi  dinh điền và khủng bố những người tình nghi.

Đầu năm 1961, địch tích cực trong việc rào núi, hàng ngày chúng huy động hàng trăm người ra vùng rìa núi để cắm chông, bắt mỗi cử tri nộp từ 10-50 cây chông tre, mỗi gia đình nộp 1 bàn chông sắt. Chúng phân tán lực lượng chính quy từ 1 đại đội lên 1 tiểu đoàn về đóng các nơi trong tỉnh như Bình Khê, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân để phối hợp với lực lượng bảo an, dân vệ đối phó lại các hoạt động của ta, hà hơi cho bọn chính quyền xã, thôn và trấn áp phong trào quần chúng. Tại nhiều địa phương trong huyện, địch tổ chức đợt học tập “Tổng tấn công Việt Cộng” trong cán bộ ngụy quyền và quần chúng nhân dân; đồng thời thực hiện chính sách “tố cộng”, bắt nhân dân nộp “quỹ tố cộng”. Tổ chức cho số đảng viên cũ ly khai khỏi hàng ngũ Đảng Cộng Sản, xé cờ Đảng, xé ảnh lãnh tụ, nói xấu chế độ, bắt buộc đảng viên đã ly khai đảng phải nộp từ 1 trăm đồng đến 1 nghìn đồng gọi là tiền thử thách vào “quỹ tố cộng”.

Đầu năm 1961, lực lượng địa phương xã Hoài Sơn đã tổ chức vũ trang tuyên truyền, diệt 2 tên ác ôn; tuyên truyền các chính sách của Đảng cho nhân dân; tổ chức lực lượng phục kích đánh bọn bảo an và dân vệ đi tuần, diệt 3 tên, bị thương 2 tên khác, thu 2 súng. Diệt ác ôn ngay giữa ban ngày cách đồn bảo an khoảng 1km. Tuy lực lượng địa phương ít nhưng đã biết phối hợp và hiệp đồng tác chiến đánh địch, diệt và làm tan rã 70 tên bảo an và dân vệ đang tập trung quân tại rìa núi để chuẩn bị cho việc càn quét.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh về việc mở chiến dịch hoạt động Thu – Đông ở đồng bằng, tổ chức lực lượng trụ bám ban ngày để tuyên truyền, gây thanh thế và đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng lên 1 bước. Rạng sáng ngày 16/7/1961, đại đội Tây Sơn (đơn vị bộ đội của tỉnh đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ) phối hợp với bộ đội huyện Hoài Nhơn tập kích trung đội dân vệ xã Hoài Sơn đóng tại trụ sở xã. Sau 2 giờ chiến đấu ta đã diệt gọn trung đội dân vệ và làm chủ trận địa. Để chiếm lại vị trí đã mất, khoảng 7-8 giờ sáng, địch đưa 1 đại đội lính cộng hòa lên tiếp viện, khi đến Túy Thạnh chiến sĩ ta dùng trung liên bắn xối xả vào đội hình của địch. Kết quả trận này ta diệt 53 tên, bắn bị thương 18 tên, bắt 13 tên địch, thu 45 súng các loại (trong đó có 3 trung liên, 3 súng săn 16 ly, 18 lựu đạn, 10 ống phóng lựu đạn, 1000 viên đạn tull, 2000 viên đạn súng trường, 180 viên đạn súng trường dài, 12 bao quân trang, 1 radio, 1 máy đánh chữ) và nhiều quân trang quân dụng khác. Ta làm chủ từ 5 giờ đến 10 giờ 30 sáng này 17/7/1961.

Đây là 1 trận chiến thắng có tiếng vang rộng lớn trong toàn tỉnh, ta đã diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, mở đầu cho phong trào phá “ấp chiến lược” ở vùng giáp ranh trong toàn tỉnh. Sau khi bị ta tấn công san bằng trụ sở xã, chúng bỏ trụ sở xã cũ (ở thôn Túy Thạnh, trụ sở UBND xã hiện nay) chuyển đến quán Sính (thôn Hy Văn), trưng dụng nhà của 1 đồng chí cán bộ đi tập kết để làm trụ sở lưu vong và cũng là nơi giam giữ, tra tấn cán bộ, đảng viên và nhân dân sau này. Chiến thắng Hoài Sơn đã gây tiếng vang lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của những cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị trong toàn huyện Hoài Nhơn, làm cho bọn ác ôn, tề điệp trong vùng hoảng sợ.