Chủ động phòng tránh thiên tai bão lũ năm 2021
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng tránh thiên tai bão lũ năm 2021

Năm 2020 được ghi nhận là một năm thiên tai có diễn biến phức tạp, khó lường với những trận mưa, bão lũ rất lớn từ trước đến nay, các số liệu đánh giá đều vượt ngưỡng lịch sử so với các đợt thiên tai đã từng xảy ra trên địa bàn xã Hoài Sơn, nhân dân đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ, đặc biệt là cơn bão lịch sử số 9.

Qua thực tế, từ trước đến nay cho thấy các loại thiên tai thường xảy ra tại địa phương là: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, sạt lở bờ suối, xảy ra với tần suất lớn, gây thiệt hại đến nhiều mặt của đời sống xã hội nhất là ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất nông lâm nghiệp của xã. Bình quân mỗi năm xảy ra 2 đến 3 đợt lũ lớn, chịu ảnh hưởng của 1 đến 2 cơn bão. Năm 2020 có 2 đợt mưa lũ lớn và bị trực tiếp cơn bão số 9, nó đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng cũng như tài sản của Nhà nước và nhân dân. Điểm qua một số thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Hoài Sơn trong năm 2020 đã làm cho 5 người bị thương, 36 nhà ở thiệt hại nặng, trên 2.000 căn nhà bị tốc mái, 285 giếng nước bị ngập nước, 1.114m tường rào ngã đổ, gần 18 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; hàng ngàn ha cây lâm nghiệp, nông nghiệp bị thiệt hại, trên 1.400m đường giao thông, 1.000m bờ suối bị sạ lỡ, 5 ha ruộng sa bồi thủy phá, 25 trụ điện bị ngã đổ, hệ thống thông tin liên lạc bị cô lập hoàn toàn, 2 nhà xưởng bị ảnh hưởng nặng, hơn 45 ha lúa Đông xuân 2020-2021 bị mất giống… Ước tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn xã trên 30 tỷ đồng.

Ảnh: Nhà ở bị thiệt hại sau cơn bão số 9 năm 2020

Nhìn lại những trận mưa bão đó để rút ra bài học về phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ là điều kiện tiên quyết chưa bao giờ thừa. Thiệt hại từ đợt lũ quá nghiêm trọng, song song với việc hỗ trợ những khó khăn trước mắt cho người dân là việc tập trung tất cả nguồn lực triển khai công tác khắc phục hậu quả bão lũ. Từ bài học ứng phó, khắc phục hậu quả của trận lũ và bão số 9 năm 2020, các cấp, các ngành và người dân trong xã đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bão lũ. Nhất là việc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho cộng đồng, người dân; xây dựng phương án phòng chống thiên tai cụ thể cho địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí phương tiện và lực lượng tham gia ứng phó linh hoạt với các sự cố thiên tai góp phần hạn chế tối thiểu thiệt hại về người, tài sản.

Ảnh: Một đoạn suối tại thôn Hy Văn bị lũ năm 2020 cuốn trôi

Để chủ động phòng, tránh, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi…, đảm bảo mọi hoạt động bình thường về kinh tế - xã hội trước, trong và sau khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn xã trong năm 2021. Đồng chí Nguyễn Đình Bản – Chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCTT, TKCN xã cho biết: “Ban chỉ huy PCTT, TKCN xã Hoài Sơn đã đề ra phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn xã. Trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai và tác động của nó đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong xã; Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đồng thời nâng cao năng lực xử lý tình huống và, chỉ huy, điều hành tại chỗ các biện pháp để ứng phó thiên tai có hiệu quả. Nâng cao năng lực nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn xã. Trong đó, phương án mà địa phương luôn quan tâm và chú trọng là sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân khi có bão, lũ tại các vùng trũng có nguy cơ ngập lũ, vùng hạ lưu các hồ chứa nước, khu vực dân cư sinh sống thường hay bị cô lập, vùng có nguy cơ sạt lỡ...”

Cùng với đó để đảm bảo an toàn tính mạng và phương tiện cho nhân dân khi các đoạn đường nước lũ ngập sâu, chảy xiết, có nguy cơ sạt lỡ, phải tổ chức thông báo không cho người và phương tiện qua lại khi có mưa lũ lớn; đồng thời phân công lực lượng công an, dân quân thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người và phương tiện qua lại, sẵn sàng cứu hộ khi có sự cố tại các đoạn đường xung yếu.

Bên cạnh những công trình đang được phát huy hiệu quả trong việc phòng tránh bão lũ, hiện có không ít những kè suối, hồ chứa trên địa bàn xã vẫn trong tình trạng hư hỏng nặng hoặc sửa chữa chắp vá. Điển hình như hồ Hóc Quăn xây dựng lâu năm đã xuống cấp chưa được sửa chữa, địa phương đang rất cần các nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa lại các hồ đập nhằm tránh nguy cơ sạt lỡ trong mùa mưa lũ.

 Thực tế đã cho thấy, đầu tư cho công tác phòng ngừa sẽ đỡ tốn kém và thiệt hại hơn rất nhiều công tác khắc phục. Sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và và cộng đồng sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Thêm vào đó, công tác dự báo, cảnh báo sớm về mưa, bão giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Mặt khác, việc vận dụng linh hoạt phương châm “bốn tại chỗ”, vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực triền núi và vùng trũng thấp có địa hình dễ bị chia cắt.

Văn Phương


Tác giả: Nguyễn Văn Phương
Nguồn:Đài truyền thanh xã Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...