Hoài Sơn tổ chức gặp mặt tọa đàm kỷ niệm 53 năm Ngày giải phóng xã 20/4/1972-20/4/2025.
Nhân kỷ niệm 53 năm, ngày giải phóng xã Hoài Sơn ngày 20/4/1972, 20/4/2025, sáng ngày 18/4/2025, Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Hoài Sơn long trọng tổ chức gặp mặt toạ đàm kỷ niệm 53 năm ngày giải phóng xã Hoài sơn, nhằm ôn lại truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng những thành tựu 53 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển xã nhà. Qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương đất nước, tri ân công lao của các thế hệ đi trước đã không tiết máu xương để có ngày hôm nay, tin tưởng vào tương lai trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Về dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Ở tỉnh có đồng chí Phạm Văn Thanh, nguyên phó bí thư tỉnh uỷ; Trần Minh Sang, nguyên Uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hoài Sơn. Ở thị xã có đồng chí Phạm Trương, Bí thư Thị uỷ; Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã; Thượng tá Huỳnh Ngọc Tín, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự thị xã; Nguyễn Phước Công, Chủ tịch hội Nông dân thị xã. Các đồng chí, nguyên là Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn qua các thời kỳ và các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã Hoài Sơn. Tại buổi gặp mặt toạ đàm, đồng chí Nguyễn Nam Hà, Bí thư Đảng uỷ xã phát biểu ôn lại truyền thống kỷ niệm 53 năm ngày giải phóng xã.
Trong suốt 21 năm kháng chiến, cán bộ và nhân dân Hoài Sơn đã đoàn kết thống nhất, kiên quyết bám đất, bám làng đấu tranh với giặc ngoại xâm trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hoài Sơn là chiếc nôi cách mạng nằm ở phía Bắc huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn), bọn Mỹ ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót kiên cố như Núi Bé An Đỗ, trụ sở xã Túy Thạnh, Trường Đình Hy Văn, Đồi Chùa Phú Nông, Sân Bay La Vuông... Chúng đã trút hàng ngàn, hàng vạn tấn bom đạn và chất độc hóa học khắp trong toàn xã, chúng mở hàng trăm trận càng quét nhằm tiêu diệt các căn cứ cách mạng của ta. Hàng trăm người dân nơi đây phải chịu cảnh tù đày, đánh đập, tra khảo, giết hại dưới nhiều hình thức dã man và tàn bạo, từng mãnh đất, từng ngôi nhà bị tàn phá, hàng ngàn người dân phải chịu cảnh cha mất con, vợ mất chồng... Đặc biệt là vụ thảm sát tại Ngã Ba Đình, đêm ngày 25/9/1961, bọn chúng đã dùng nhiều thủ đoạn dã mang bắn giết đối với 12 cán bộ chiến sỹ cách mạng của ta, trong số đó hiện giờ còn sống 1 đồng chí (Nguyễn Trình, ở thôn An Hội). Dù vậy, nhưng nhân dân Hoài Sơn vẫn giữ truyền thống cách mạng kiên quyết bám trụ “Một tất không đi, một ly không rời”, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. 21 năm gian khổ và hào hùng đó, toàn xã có hơn 1.000 thanh niên gia nhập vào bộ đội chủ lực, hơn 100 thanh niên vào bộ đội địa phương và có gần 2.000 thanh niên tham gia du kích xã và thôn… để đánh giặc bảo vệ quê hương. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quân và dân Hoài Sơn đã đánh trả quyết liệt mọi cuộc càng quét của địch, gây cho chúng tổn thất ngày càng to lớn.
Ngày 16/7/1961, Trung đội du kích xã Hoài Sơn, và 2 Trung đội của huyện và tỉnh, bao vây tiêu diệt 45 tên của tổng đoàn dân vệ. Đồng thời diệt tên đại diện xã Bí thư chi bộ Đảng cần lao nhân vị, chiều cùng ngày chận đánh tiêu diệt đại đội bảo an từ Bồng Sơn ra cứu viện, trận này ta tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu được 72 khẩu súng và 2 trung liên đầu bạc, cùng nhiều quân dụng khác.
Năm 1969-1972, nhân dân đấu tranh trở về làng cũ khôi phục sản xuất, đời sống dần dần được cải thiện, phong trào cách mạng được khôi phục. Đến ngày 20/4/1972, ta giải phóng hoàn toàn trên mãnh đất quê hương Hoài Sơn sạch bóng quân thù.
Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ (từ 1954 – 1975), với những thành tích to lớn đó, vào năm 1965 Nhân dân và cán bộ Hoài Sơn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương thành đồng, năm 1978 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen của các cấp. Để có được những thành tích đó, là nhờ sự đóng góp xương máu, anh dũng hy sinh của cán bộ đảng viên, những đồng chí trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia chiến đấu, các cơ sở cách mạng và nhân dân ta, công lao to lớn ấy chúng ta không thể nào quên được.
Toàn xã có 868 liệt sỹ, 477 thương bệnh binh, 50 đồng chí lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, 3 đồng chí anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 195 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 5 mẹ còn sống; 2.895 người có công với nước. Ngoài ra còn hàng ngàn tổ chức cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Phát huy Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến, 53 năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Hoài Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Từ một xã nghèo nàn, lạc hậu do hậu quả chiến tranh để lại, sau 53 năm phấn đấu xây dựng và phát triển. Đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhịp độ bình quân hàng năm tăng nhanh so với trước đây. Hoài Sơn là một xã thuần nông chuyên sản xuất cây lúa nước, nhưng đến nay cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm khoảng 58%; thu nhập bình quân đầu người năm 2024, đạt 62,5 triệu đồng. Từ trong hoang tàn đổ nát, đến nay Đảng bộ, chính quyền trong xã cùng với các cấp chung tay hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% số hộ trên địa bàn xã, không còn hộ đói và hộ nghèo.
Sau ngày giải phóng, vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; tập trung huy động sự đóng góp công sức của nhân dân và đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, để xây dựng lại trường học, trạm y tế, mạng lưới điện, đường giao thông, cầu cống, công trình thuỷ lợi và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Trong đó, phải nói đến công trình Tôn tạo khuôn viên Di tích lịch sử Trận tập kích trụ sở ngụy quyền xã Hoài Sơn năm 1961, đang được triển khai thi công, đây cũng là công trình biểu tượng mà Đảng bộ và nhân dân Hoài Sơn đã quyết tâm xây dựng để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Đến nay, về cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Đặc biệt là trong những năm gần đây, với những dự án được triển khai trên địa bàn xã như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, dự án mở rộng cụm công nghiệp Tường Sơn, dự án đường Cờ rem, nối liền Hoài Sơn đi An Lão, đã tạo bước phát triển mạnh về Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã và phát triển du lịch tại cao nguyên La Vuông trong tương lai.
Cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng từng bước được đầu tư và phát triển đồng bộ. Đến nay trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Toàn xã có 3 trường: Trường Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm Non, hàng năm thu hút trên 1.600 học sinh các bậc học; cơ sở vật chất cho giáo dục hằng năm được đầu tư, nâng cấp; các trường đều đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ Y, Bác sĩ thường xuyên điều trị và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân; trạm y tế giữ vững xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Hoạt động Văn hóa văn nghệ, Thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, từng bước được nâng lên, đã có 12/12 thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa. Đời sống kinh tế của xã có nhiều thay đổi cơ bản, tỉ lệ hộ nghèo không còn.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ và nhân dân Hoài Sơn có nhiều sự nỗ lực chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách người có công. Đã xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ khang trang, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang, tập trung phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng hộ chính sách người có công trên địa bàn xã trong năm 2025.
Thực tiễn 53 năm qua, đã khẳng định sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ xã đến thôn, đây là nhân tố quyết định sự lớn mạnh và phát triển về mọi mặt của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, Đảng bộ có 19 chi bộ, 531 đảng viên, tăng gấp 4 lần so với năm 1976. Nhìn chung năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên ngày càng nâng cao. Đảng bộ luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng bộ và chính quyền xã Hoài Sơn luôn được Thị ủy, UBND thị xã đánh giá hàng năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là địa phương nằm ở tóp đầu trong khối xã phường.
Vì vậy, trong thời điểm này và những năm tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã sẽ tăng cường hơn nữa khối đoàn kết, thống nhất phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý thức tự lực tự cường, tinh thần trách nhiệm khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, các công trình phục vụ phát triển du lịch, nhằm xây dựng quê hương Hoài Sơn ngày càng giàu đẹp.